Tin tức

VNCPC tham gia tổ chức hội nghị bàn tròn quốc gia lần thứ 5 về Sản xuất và Tiêu thụ bền vững

06:2 | 02/12/2007

Trong  những năm vừa qua, Việt Nam đã triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu thụ bền vững như ký kết Tuyên ngôn quốc tế về Sản xuất sạch hơn vào năm 1999, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về Sản xuất sạch hơn năm 2002, ban hành các chiến lược, quy định về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp... Hoạt động sản xuất sạch hơn cũng đã được triển khai tại gần 60 tỉnh/thành phố và nhiều ngành trong đó hiệu quả nhất là ngành công nghiệp. Các hoạt động nghiên cứu, xây dựng và áp dụng thử nghiệm các mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững cũng bắt đầu được triển khai với sự hỗ trợ hiệu quả, tích cực của các tổ chức quốc tế như UNEP, UNIDO, DANIDA, EU...



Trong 2 ngày 26 và 27 tháng 5 vừa qua, Hội nghị bàn tròn quốc gia lần thứ 5 về Sản xuất và Tiêu thụ bền vững đã được tổ chức tại TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đã tổ chức hội nghị này như là một hội nghị thường niên 2 năm một lần nhằm đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trên và thảo luận về các hoạt động cần triển khai trong thời gian tiếp theo. Hội nghị tập trung thảo luận 3 nội dung cơ bản: Các giải pháp kỹ thuật sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; Mô hình cộng đồng bền vững và Xanh hóa công nghiệp. Hơn 200 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, địa phương, đại diện các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, tổ chức tư vấn trong, ngoài nước và hơn 50 đại diện các doanh nghiệp khắp các tỉnh thành đã có mặt tại TP Nha Trang để tham dự Hội nghị.
Trong phiên toàn thể, Hội nghị đã được nghe 4 bài trình bày quan trọng về Tổng quan về tình hình sản xuất và tiêu thụ bền vững tại Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 của Bộ Công Thương, Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình Nghị sự 21 về Phát triển bền vững ở Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn-Tiếp cận hướng tới sản xuất bền vững của Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam.
Tại 3 Hội thảo nhỏ đã có tổng số gần 30 báo cáo do các đại biểu đến từ các bộ/ngành, địa phương, các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế, doanh nghiệp được trình bày. Các báo cáo này đã tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững hiện nay của Việt Nam cũng như  kinh nghiệm thế giới; các giải pháp kỹ thuật sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; các mô hình phát triển cộng đồng bền  vững; các hoạt động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Hội nghị cũng đã giành nhiều thời gian để thảo luận về các giải pháp, kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.
Trên cơ sở kết quả thảo luận tại các hội thảo trong khuôn khổ của Hội nghị, Hội nghị đã thống nhất một số kiến nghị:

1.    Sản xuất và Tiêu thụ bền vững có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việt Nam cần có các nỗ lực nhằm đưa hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.
2.    Các nhiệm vụ trước mắt cần triển khai nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam:

  • Chính phủ cần ban hành Chương trình quốc gia về Sản xuất và Tiêu thụ bền vững làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững tại các ngành, các địa phương.
  • Các bộ/ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cần tiếp tục có sự đầu tư thích đáng cho các hoạt động điều tra, đánh giá, xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất sạch hơn, các mô hình cộng đồng bền vững nhằm thay đổi một bước các mô hình sản xuất và tiêu thụ hiện có theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
  • Duy trì hoạt động của Hội nghị bàn tròn quốc gia về Sản xuất và Tiêu thụ bền vững nhằm có sự liên kết mạng lưới, trao đổi, thảo luận nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động này trong thời gian tiếp theo.

3.    Hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững muốn triển khai có hiệu quả cần có sự nhận thức và tham gia tích cực của các đối tượng có liên quan như các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể trong nước và quốc tế và sự hưởng ứng của toàn xã hội.

Sau 5 kỳ hội nghị kể từ năm 2002, có thể khẳng định, sự quan tâm của cộng đồng đến các hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững đã ngày càng được nâng cao và Hội nghị bàn tròn quốc gia Sản xuất và Tiêu thụ bền vững lần thứ 5 cũng đồng thời được ghi nhận là Hội nghị có số lượng đại biểu tham gia đông nhất.